Quản lý Mũi_đất_nhọn

Có nhiều vấn đề quản lý liên quan đến mũi đất nhọn, tuỳ theo nguồn gốc hình thành của chúng. Nếu các mũi đất hình thành từ quá trình lắng đọng thì những hoạt động của con người - làm thay đổi sự vận chuyển trầm tích từ đường bờ biển - có thể ảnh hưởng đến chúng.[9] Tuy vậy, nếu mũi đất nhọn là phần còn lại của một đối tượng địa lý trong quá khứ đã bị xói mòn thì sự can thiệp của con người vào sự vận động của trầm tích dọc bờ có thể không gây tác động đáng kể lên mũi đất.[9] Để mũi đất có thể tồn tại được thì lượng trầm tích bồi thêm phải lớn hơn lượng bị mất đi.[9] Những hoạt động như xây dựng ven biển phải được quy định để trầm tích có thể tiếp tục vận động về hướng mũi đất.[10] Ngay cả việc xây dựng trên mũi đất nhọn cũng tiềm ẩn nguy cơ như xói mòn, bão và nước biển dâng.[10][11]

Tại mũi Pelee, có khoảng 1.900 hecta đất nông nghiệp cũ trên mũi đất nhọn nay đã ngập chìm dưới nước do tác động xâm thực của gió và sự suy giảm đất hữu cơ trên mũi đất.[9] Mũi đất nhọn này đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự xói mòn khi mực nước hồ dâng lên kết hợp với gió xoáy trong các mùa xuân và thu.[9]

Nếu có tầng ngậm nước ở bên dưới mũi đất nhọn thì cần phải đặt ra quy định về khai thác nước. Ở Dungeness (Anh), người ta đề ra các hạn chế về khai thác nước để duy trì mức nước ngầm.[11]

Hoạt động quản lý đường bờ cần quan tâm đến các quá trình tự nhiên diễn ra trên mũi đất nhọn do mũi đất là môi trường sống cho chim. Các phương cách quản lý xói mòn ven biển cũng cần tính đến sử dụng các biện pháp "mềm" để bảo vệ bờ biển thay vì những cách thức "cứng" như xây đê chắn sóng.[11]